Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Lưu ý khi đăng ký điện thoại tại Nhật

Khi mới sang Nhật rất nhiều bạn gặp khó khăn khi đi đăng ký điện thoại. Hầu hết các bạn đều là không trực tiếp tới cửa hàng đăng ký mà được trung gian dẫn đi, hoặc photo hồ sơ và sau đó nộp tiền, nhận điện thoại. Đến khi các bạn nhận được giấy báo cước điện thoại hàng tháng mới tá hỏa với số tiền trong hóa đơn. Khi đó thì không liên lạc được với trung gian kia nữa. Sau đây là 3 trường hợp thường gặp nhất.



Không giao giấy tờ cho người quen đăng ký

Trường hợp nguy hiểm nhất là các bạn do tin tưởng người quen nên giao thẻ ngoại kiều và 1 số giấy tờ khác để nhờ đăng ký điện thoại. Giấy tờ của các bạn có thể bị đăng ký nhiều máy nhưng bạn lại chỉ được nhận 1 máy. Khi nhận được hóa đơn lên tới cả chục man, liên lạc với người trung gian thì không liên lạc được hoặc không nhận được lời giải thích hợp lý cũng như cách giải quyết. Đi báo cảnh sát thì không thể giải thích rõ ràng hoặc không chứng minh được mình là người bị hại. Có bạn nghĩ đơn giản là bỏ sim đó đi và đăng ký số điện thoại khác là xong, nhưng không đơn giản như vậy. Ở Nhật Bản, khi bạn đã có hồ sơ nợ mạng thì bạn sẽ không đăng ký được bất kỳ sim nào của 1 trong 3 nhà mạng Docomo, au hay Sofbank nữa.

Hiểu rõ hợp đồng trước khi đăng ký

Trường hợp thứ 2 cũng rất phổ biến là khi đăng ký điện thoại, các bạn không biết rõ về các gói cước, các dịch vụ phát sinh cước phí, và cũng không biết cách để kiểm tra nội dung hợp. Nhân viên cửa hàng và người trung gian đó tự động thêm rất nhiều dịch vụ phí phát sinh cho các bạn, dẫn đến cước phí sử dụng hàng tháng của các bạn có thể lên đến 2 man yên 1 tháng. Có một số nơi thì sẽ giải thích theo kiểu là dịch vụ bắt buộc phải đăng ký. Các bạn không được hưởng quyền lợi từ các dịch vụ đó mà vẫn phải trả tiền hàng tháng do việc sử dụng điện thoại ở Nhật là rất cần thiết. Có những bạn bị cài dịch vụ và không biết cách hủy, bên trung gian cũng vô trách nhiệm hoặc không biết cách hủy các dịch vụ đó, khi kiểm tra trên điện thoại thì các bạn đã sử dụng tới tháng thứ 7, tính tổng số tiền bị thanh toán đã lên đến 5 man yên, tương đương 11 triệu VNĐ.

Trường hợp thứ 3 là các bạn học sinh được người quen dẫn đi đăng ký, bạn đó lại thông qua 1 trung gian khác dẫn đi làm điện thoại. Các bạn vẫn mất số tiền 3 đến 4 man yên để mua điện thoại iPhone 6, do nghĩ là mình đăng ký mới và mua đứt điện thoại với giá rẻ thực chất giá đó là không hề rẻ. Khi cửa hàng kiểm tra điện thoại của các bạn thì mới phát hiện điện thoại của các bạn được đăng ký dưới hình thức chuyển mạng và nhận máy 0 đồng, kèm theo đó khách hàng sẽ không được hưởng khuyến mãi hàng tháng giống như đăng ký mới. Không chỉ vậy, họ còn đăng ký rất nhiều dịch vụ phát sinh cước phí. Trường hợp này tính tổng số tiền các bạn bị mất gồm tiền mua điện thoại ban đầu 3 đến 4 man, tiền khuyến mãi hàng tháng 1.350 yên x 24 tháng và các dịch vụ phát sinh cước khoảng 7.000 yên 1 tháng.

Đến các cửa hàng uy tín để được tư vấn trực tiếp

Các bạn nên trực tiếp đến các cửa hàng uy tín để đăng ký điện thoại. Cần hỏi rõ về gói cước bạn sẽ sử dụng, những vấn đề cần lưu ý. Và khi đăng ký dịch vụ tại các công ty có cửa hàng đại diện, trong quá trình sử dụng có vấn đề gì phát sinh hay cần tư vấn bạn hoàn toàn có thể đến cửa hàng để được nhân viên giải đáp.

Trên đây là một số lưu ý khi đăng ký điện thoại tại Nhật hi vọng sẽ hữu ích đối với bạn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét