Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Hành trình đến với ước mơ du học của con nhà nghèo

Không phải teen nào cũng có thể dễ dàng săn được học bổng tại những trường ĐH “xịn”, trong khi nỗi lo về chi phí sinh hoạt, học tập đắt đỏ ở nước ngoài là điều làm không ít teen và cả các bậc phụ huynh phải đắn đo. Hành trình đến với ước mơ du học của con nhà nghèo sẽ như thế nào?

Một vài bí kíp sau đây sẽ giúp teen có thể tìm thực hiện được ước mơ của mình mà không phải quá lo lắng về vấn đề tài chính.

Những điểm đến mới hấp dẫn

Học phí du học tại các nước như Anh, Mỹ, Canada có thể cao hơn 30.000 USD/năm, gấp nhiều lần học phí tại Singapore hoặc Malaysia. Nhiều trường đại học tư ở Mỹ có thể xin nhập học dễ dàng nhưng với điều kiện bạn phải có túi tiền rủng rỉnh đủ chu cấp được từ 40.000 đến 50.000 USD/năm.

Có nhiều cách để thực hiện ước mơ du học



Ở những nước Đông Nam Á hay châu Mỹ La Tinh, học phí và giá cả sinh hoạt lại rẻ hơn rất nhiều. Malaysia, Thái Lan hay một số nước châu Mỹ la tinh, châu Phi, Newzealand đã được nhiều bạn lựa chọn trong thời gian gần đây. Trung bình, một du học sinh tại Úc phải trả từ 13.000 – 20.000 USD/năm trình độ cử nhân. Nhưng cũng với số tiền này, bạn có thể sử dụng trong suốt 3-4 năm đại học ở Indonesia, Malaysia…

Không chỉ có học phí, chi phí sinh hoạt bao gồm tiền thuê nhà, ăn uống, chi phí đi lại, vui chơi giải trí cũng là vấn đề bạn phải đau đầu. Tại những đất nước có nền giáo dục phát triển như Singapore, chi phí sinh hoạt cũng thuộc hàng đắt đỏ nhất nhì khu vực châu Á, chưa nói đến những đất nước nổi tiếng “tốn kém” như Anh, Mỹ. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt tại các thành phố New Zealand được sếp hạng thấp nhất so với các thành phố chính tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt 2 thành phố lớn là Wellington (163)và Wellington (149) có mức chi phí sinh hoạt khá dễ chịu. Nếu tới Thái Lan du học thì chi phí sinh hoạt không thành vấn đề lớn vì mức sinh hoạt tại đây chỉ tương đương ở Việt Nam.

Huyền Trang sau khi tốt nghiệp Đại học Hà Nội đã lựa chọn Brazil để đi du học, tốt nghiệp khoa tiếng Tây Ban Nha lại lựa chọn đất nước không mấy cạnh tranh về du học, cô bạn cũng nhanh chóng xin được học bổng. Sau 2 năm học tập, về nước,Trang đã xin được việc tại đại sứ quán của một nước nói tiếng Tây Ban Nha tại Việt Nam. Vốn sống, văn hóa đặc sắc là những điều Trang tâm đắc nhất sau 2 năm du học tại Brazil.

Một cô bạn khác là My lại quyết định du học tự túc để lấy bằng MBA tại Malaysia. Nhờ ý thức được mỗi lần thi trượt là “tiền đô đập vào đầu” nên My đã cố gắng hết sức, hoàn thành 2 năm học mà không phải thi lại môn nào. Nhưng điều bất ngờ nhất là My đã tìm được một nửa của mình là một anh chàng người Malaysia gốc Trung học cùng lớp và cả hai đã tổ chức đám cưới lãng mạn tận Maldives.

Du học tại Thái Lan, cậu bạn tên Tuấn kể có thể làm thêm thoải mái do nhà trường cũng khuyến khích học sinh thực hành. Thi đỗ vào làm cho một công ty thời trang ngay khi còn đang theo học tại Bangkok, vừa học vừa làm nên Tuấn đã đủ trang trải chi phí cho việc học và sinh hoạt của mình.

Ngoài các nước Đông Nam Á, New Zealand, Bắc Âu… đang là được nhiều bạn trẻ Việt Nam theo học trong những năm gần đây.

Những khóa du học ngắn hạn và vay tiền du học



Sau khi kết thúc mấy năm học ở Đại học Y, Phương vào làm việc tại bệnh viện Bạch Mai. Sau khi lần mò trên các trang mạng, chưa thật tự tin nhưng cô bạn đã tìm thấy một khóa học ngắn hạn mình có thể theo được. Vậy là sau mấy tháng rèn luyện tiếng Anh, Phương đã được cấp học bổng toàn phần cho một khóa học ngắn hạn tại Đan Mạch. Điều kiện học tập và thực hành tại các bệnh viện Đan Mạch làm bạn rất hài lòng. Phương bảo “Bạn có Internet, có từ điển, nếu kiên trì bạn có thể tự tìm cho mình được một khóa học phù hợp”

Nếu thực sự có quyết tâm và nghị lực, teen có thể vay tiền để đi du học. Hiện tại, có nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ cho vay du học. Một số ngân hàng lớn như VietinBank thường có nhiều chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất thấp hay miễn phí xác nhận số dư tài khoản …

Quang – Hiện đang làm Tiến sỹ ở Úc cho biết cậu đã thuyết phục gia đình vay tiền để đi du học từ khi học năm thứ nhất đại học. Món nợ trên vai khiến Quang đã làm đủ nghề từ rửa bát, thu hoạch hoa quả, dọn tuyết… để có tiền trang trải học phí. Nhưng chính vì thế mà phải học thật giỏi là mục đích lớn nhất của Quang. Sau 4 năm học đại học, Quang trả hết được tiền vay ngân hàng và được nhận làm trợ giảng cho giáo sư hướng dẫn cậu khi học đại học.

Có nhiều con đường để thực hiện ước mơ của mình, không phải con đường nào cũng dễ dàng nhưng nếu đủ quyết tâm thì chắc chắn thành công không ở quá xa.

(Thảo Chi)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét