Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Những mục cần nghiên cứu trên website các trường đại học

Cùng trở thành những “thợ săn” thông tin du học trên các website trường đại học mà bạn yêu thích thật linh hoạt và hiệu quả bạn nhé!

Không phải ai cũng có kinh nghiệm tìm kiếm thông tin trên website chính thức của các trường đại học, dù hầu hết các trường đều xây dựng nội dung xoay quanh một số mục cụ thể. Bài viết này sẽ giới thiệu với bạn những mục chính, giúp bạn tiếp cận thông tin quan tâm một cách nhanh chóng khi ghé thăm website của ngôi trường mà bạn đang “để mắt” tới.

Latest News - tin tức cập nhật

Đúng vậy, các trường Đại học cũng có xu hướng cập nhật thông tin thời sự, nhưng thường những thông tin này sẽ liên quan trực tiếp đến hoạt động và thành tích của trường (ví dụ thành tích xếp hạng của trường trên bảng xếp hạng Times Higher Education). Những trường càng lớn thì mục này càng nhiều thông tin. Ví dụ như trường LSE đã dành nguyên một cột riêng trên trang chính chỉ cho mục này.

Website của trường Western Virginia University được biết đến với việc sử dụng hiệu quả hình ảnh để nói về những thông tin mới nhất. Hay trên trang web chính thức của University of Texas Arlington lại có hẳn cột riêng chia sẻ những hình ảnh Instagram của trường, bên cạnh mục thông tin.
Cập nhật những thông tin mới nhất giúp bạn có những thay đổi cần thiết phụ thuộc và tình hình thực tế tại trường.

About us - Những thông tin cần biết về trường

Hầu hết các trường đều bắt đầu mục này bằng lịch sử ra đời. Bạn sẽ không thể không tìm thấy thông tin về năm thành lập và cả những sự kiện lịch sử thú vị xoay quanh trường.

Những trường sáng tạo hơn sẽ cố gắng cô đọng thông tin quan trọng của họ qua những bài viết “Những điều nên biết về trường”, hay thậm chí là thực hiện biểu đồ (infographic) màu sắc, giống như Đại học Oxford với biểu đồ “Trải nghiệm Oxford”.


Biểu đồ “Trải nghiệm Oxford” cực dễ thương, đa sắc màu lại còn hữu ích nữa nhé!

Định hướng phát triển và những điều đặc biệt của trường cũng được ưu ái nhắc tới trong phần này. Nhân dịp kỷ niệm 160 năm tuổi, Đại học Melbourne đã thực hiện một cuộc triển lãm về những gương mặt sinh viên nổi trội, “160 năm tuổi - 160 câu chuyện”, cho phép người đọc hiểu hơn về sự ảnh hưởng của trường lên những đóng góp của họ cho xã hội Úc qua từng thời kỳ.

Hay, đặc biệt hơn, vốn là một ngôi trường có đến 150.000 lượt khách đến thăm mỗi năm nên trường Stanford quyết định dành hẳn mục “Visitor Information” trong chuyên mục About Stanford để hướng dẫn cặn kẽ về các “tour” tham quan, ăn uống hay thậm chí là... mua sắm trong khuôn viên trường.

Academics/Study - Thông tin ngành học, khóa học

Đây có lẽ là một trong những lý do quan trọng khiến bạn “lục lọi” trên một website trường - để tìm hiểu về các chương trình học và nội dung các khóa học đó.

Có nhiều trường “đầu tư” cả công cụ tìm khóa học hoành tráng như University of Melbourne, khiến việc tìm kiếm khá dễ dàng. Còn lại, phần đông các trường sẽ chọn cung cấp thông tin theo phương pháp kim tự tháp ngược, tức là đưa thông tin từ diện rộng (các trường thành viên, khoa) đến diện hẹp (chuyên ngành).

Admissions and Applications - Điều kiện và thủ tục đăng ký

Mục này sẽ cho phép bạn biết những điều kiện đầu vào cho từng chương trình. Các yêu cầu ngoại ngữ, lực học sẽ được đề cập một cách cụ thể tại đây. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ thiếu một ít điểm thì cũng đừng bỏ cuộc ngay lập tức, hãy thử liên hệ với đại diện tuyển sinh của ngành học để trình bày vấn đề. Bạn có thể tìm được những thông tin này dưới các chương trình học hoặc cách đơn giản nhất là gửi mail đến địa chỉ trong phần “Contact us” để nhờ gửi cho đúng người.

Scholarships and Financial Aid - Hỗ trợ tài chính

Có hai cách đề cập thông tin học bổng trên các website. Một là cập nhật tất cả các học bổng trong một mục riêng, hoặc cũng có thể xuất hiện bên trong mỗi chương trình học.

Lưu ý là khi tìm hiểu về học bổng, bạn phải chắc chắn xem đó đúng là học bổng dành cho sinh viên quốc tế (có nhiều học bổng còn dành riêng cho sinh viên đến từ một số nước nhất định), bởi vì các trường nước ngoài cũng có những học bổng riêng cho sinh viên bản địa.

Ngay cả phần học phí cũng như vậy. Thường thì sinh viên nước ngoài phải trả gấp đôi học phí, so với sinh viên trong nước.

Đại học Rhodes cung cấp hẳn một trang web cho sinh viên quốc tế nghiên cứu học bổng luôn nha!

Campus Life/Student Life - Đời sống sinh viên

Nếu tò mò về các câu lạc bộ sinh viên trong trường, chi phí sinh hoạt hay các hoạt động thể thao, ngoại khóa, bạn có thể tham khảo mục này. Đây là nơi cung cấp nhiều thông tin hữu ích, cho bạn cái nhìn cận cảnh về cuộc sống du học dưới ngôi trường này. Một số trường còn chi tiết hơn khi cung cấp cho bạn các khoản chi cần thiết như chi phí đi lại, ăn uống, giải trí...

Đối với các trường có khu học xá riêng, bạn cũng có thể tìm thấy các phương án nhà ở tại đây (thường nằm trong mục nhỏ hơn, có tên là “Student accommodation”).

Nghiên cứu trước về chỗ ở trên website của trường giúp bạn tìm được nơi ở phù hợp với mức giá “hạt dẻ” nhất có thể.

Services and Facilities - Các tiện ích của trường

Nếu tò mò không biết ngôi trường của bạn trông giống như thế nào, thư viện có rộng rãi không, cơ sở vật chất hiện đại đến đâu... thì đây là mục cần tìm đến. Trên website trường The Hague University of Applied Sciences (Hà Lan), bạn thậm chí còn được “đi tham quan” trường qua các video giới thiệu phòng học, khu thể thao hay cả canteen trường!

Tóm lại, để có được thông tin hợp thức, cận cảnh nhất về đời sống sinh viên tại một ngôi trường nào đó, thao tác đầu tiên mà bạn cần làm là “google” website của trường và tìm đến mục mình quan tâm. Bên cạnh đó, tải cẩm nang du học do chính nhà trường soạn thảo, xem video về các trường đại học và liên hệ trực tiếp với đại diện trường để được tư vấn trực tiếp cũng là những cách hay.

(Theo Trace / Trí Thức Trẻ)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét