Để phát triển thị trường lao động Nhật, các biện pháp quản lý hành chính chưa đủ mà còn phụ thuộc nhiều vào sự đổi mới đột phá về chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.
Những năm gần đây, các làng quê Việt Nam biết đến Nhật Bản nhiều hơn nhờ hoạt động đưa thực tập sinh sang tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản mà người dân quen gọi là “đi du học Nhật”.
Chương trình này nhằm mục đích đưa người lao động Việt Nam sang Nhật tiếp thu kỹ năng, nâng cao tay nghề, tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại thông qua công việc thực tế tại Nhật Bản. Nguồn lao động này sẽ trở thành nguồn lao động quý giá của Việt Nam khi Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Cơ hội người lao động được nhận vào làm trong các công ty Nhật tại Việt Nam cũng rất cao với mức lương không thể gọi là thấp được.
Thế nhưng, gần đây, hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật gặp nhiều vấn đề.
“Căn bệnh mãn tính”
Ngày 18-11-2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có văn bản số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN về việc chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản (Công văn 4732). Một số “triệu chứng” được ghi nhận là:
(i) Nhiều thực tập sinh Việt Nam phải chịu mức phí quá cao so với quy định và so với mặt bằng chung.
(ii) Nhiều người lao động đăng ký đi thực tập tại Nhật Bản đã phải chịu các chi phí chuẩn bị, nhưng không được đưa đi.
(iii) Nhiều thực tập sinh Việt Nam vi phạm pháp luật Nhật Bản, tỷ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng, ra ngoài làm việc bất hợp pháp tăng so với các năm trước đây.
Thực ra, tình trạng lao động bỏ ra ngoài khi sang đến nước ngoài đã xảy ra ở nhiều thị trường lao động chứ không riêng gì Nhật Bản. Tình trạng này nhiều đến mức một số thị trường lao động uy tín đã nói “không” với lao động của Việt Nam như Hàn Quốc và Đài Loan trong nhiều năm trước.
Bộ LĐ-TB&XH đã “tìm ra” nguyên nhân chính của tình trạng này. Trước hết là do sự yếu kém của bản thân doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản (doanh nghiệp), như không có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, không nắm vững các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật Nhật Bản và phương thức tổ chức đưa thực tập sinh sang Nhật Bản; đào tạo lao động trước khi đi không đầy đủ theo yêu cầu của thị trường; tuyển chọn thực tập sinh thông qua các khâu trung gian nên không kiểm soát được chất lượng lao động và không quản lý được việc thu tiền của người lao động. Nguyên nhân khác là có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, giảm các quyền lợi của doanh nghiệp và của người lao động để có được hợp đồng. Một lý do điển hình là không quản lý tốt thực tập sinh tại Nhật Bản, không theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh với thực tập sinh.
Trên thực tế, nguyên nhân cơ bản nhất khiến người lao động bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp là người lao động nghĩ rằng bằng mọi cách phải kiếm đủ tiền chi phí và kiếm thêm ít thu nhập làm vốn trong thời gian nhanh nhất. Doanh nghiệp thì chỉ quan tâm đến chi phí thu được và số lượng lao động được xuất khẩu mà quên mất trách nhiệm của mình sau khi cung cấp lao động.
Siết quản lý nhà nước
Để giữ thị trường tiềm năng này, Bộ LĐTBXH đã đưa ra các điều kiện (để) các doanh nghiệp được đưa thực tập sinh sang Nhật. Đó là: doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vòng một năm tính đến thời điểm đề nghị đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, không có vụ việc phát sinh liên quan tới người lao động mà không giải quyết dứt điểm, để khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng xấu trong dư luận mới đáp ứng điều kiện đưa thực tập sinh sang Nhật Bản. Cơ sở đào tạo, cán bộ đào tạo và chương trình đào tạo phải tuân theo các quy định pháp luật liên quan. Cán bộ đào tạo tiếng Nhật phải có trình độ N2 trở lên. Một điều kiện quan trọng khác là phải hợp đồng về phái cử và tiếp nhận thực tập sinh với tổ chức tiếp nhận hợp pháp của Nhật Bản.
Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu doanh nghiệp được phép thu từ thực tập sinh các khoản phí theo quy định không quá 3.600 đô la Mỹ/người/hợp đồng ba năm; không quá 1.200 đô la Mỹ/ người/hợp đồng một năm và tối đa 5,9 triệu đồng/khóa tiếng Nhật tương ứng với thời lượng khoảng 520 tiết/khóa học.
Vấn đề hợp đồng đưa thực tập sinh sang Nhật Bản với đối tác Nhật Bản được yêu cầu là phải theo mẫu do Tổ chức Jitco quy định và phải có các điều kiện tối thiểu liên quan đến thực tập sinh như: làm việc không vượt quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần; trợ cấp đào tạo và thực tập kỹ thuật: 30.000 yen/tháng (đối với trường hợp được cung cấp miễn phí các bữa ăn) và tối thiểu là 50.000 yen/tháng (đối với trường hợp không được cung cấp miễn phí các bữa ăn), thực tập sinh được hưởng lương theo quy định tại Luật Lương tối thiểu của Nhật Bản, phía tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản chi trả vé máy bay khứ hồi cho thực tập sinh tới Nhật Bản và trở về Việt Nam sau khi hoàn thành hợp đồng...
Bộ LĐTBXH cũng đưa ra những biện pháp khác như doanh nghiệp phải định kỳ hàng quí báo cáo đầy đủ cho Cục Quản lý lao động ngoài nước về tình hình lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Doanh nghiệp có tỷ lệ thực tập sinh tại Nhật Bản bỏ hợp đồng trên tổng số thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản cao hơn 5% sẽ bị tạm đình chỉ đưa thực tập sinh sang Nhật Bản trong thời hạn 90 ngày. Sau thời hạn 90 ngày, nếu doanh nghiệp không giảm được tỷ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng sẽ không được tiếp tục đưa thực tập sinh sang Nhật Bản.
Doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ
Để phát triển thị trường lao động này, các biện pháp quản lý hành chính chưa đủ mà còn phụ thuộc nhiều vào sự đổi mới đột phá về chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.
Thế nhưng, để phát triển thị trường lao động này, các biện pháp quản lý hành chính chưa đủ mà còn phụ thuộc nhiều vào sự đổi mới đột phá về chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải tuyển chọn nguồn thực tập sinh tốt, thu phí và lệ phí đúng quy định. Việc đào tạo không đơn thuần là kiến thức và kỹ năng theo quy định mà còn phải xoáy sâu vào tinh thần làm việc cần mẫn, tỉ mỉ, trách nhiệm, tinh thần tập thể, ý thức làm việc nhóm đối với từng cá nhân. Nếu thực tập sinh không được trang bị những nhận thức cơ bản này thì khi vào nơi làm việc sẽ bị sốc, rất áp lực về tâm lý và nguy cơ phá vỡ hợp đồng là rất cao.
Khi thực tập sinh sang đến Nhật, doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ và có trách nhiệm đồng hành cùng họ. Khi có thực tập sinh trốn ra ngoài bất hợp pháp, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với phía Nhật Bản để có được những biện pháp phù hợp và hình phạt thích đáng nhằm ngăn ngừa tình trạng này trở thành thông lệ.
Để làm tốt được những điều này, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp so với cách làm trước đây. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã tạo được uy tín trên thị trường Việt Nam và với đối tác Nhật Bản thì số lượng thực tập sinh tăng lên sẽ bù lại khoản chênh lệch này. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với khách hàng của mình và góp phần xây dựng một ngành xuất khẩu lao động bền vững.
(Nguồn: Saigon Time)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét