Xu hướng người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc qua kênh không hợp pháp gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro bị ngược đãi, bóc lột.
Cần tăng cường khung thể chế, bao gồm sửa đổi quy định của pháp luật để hỗ trợ tốt hơn người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài qua các kênh không chính thức là một trong 7 khuyến nghị đối với Việt Nam vừa được dự án tam giác ILO GMS của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra.
Đi hợp pháp rồi bỏ trốn
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), 5 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước có 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua hợp đồng cung ứng của doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ, kênh chính thức). Riêng năm 2014, số lao động XKLĐ qua kênh này đạt kỷ lục 106.000 người. Trong 6 tháng đầu năm 2015, có 56.173 lao động xuất ngoại và dự báo cả năm vượt mốc 110.000 người.
Các báo cáo của Dolab cũng cho biết hiện có khoảng 500.000 lao động đi qua kênh chính thức làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 20 thị trường mà Việt Nam đã ký ghi nhớ hoặc có thỏa thuận song phương về hợp tác lao động. Dù vậy, một bộ phận không nhỏ trong số này sau khi hết hạn hợp đồng đã không về nước mà ở lại bất hợp pháp.
Tại Đài Loan, đến tháng 6-2015, có khoảng 15.000 lao động bất hợp pháp của Việt Nam, nhiều nhất so với lao động các nước. Tại Hàn Quốc, con số này là 26.340 người. Ước tính đến nay có trên 50.000 lao động bất hợp pháp của Việt Nam đang ở nước ngoài sau khi được đưa đi qua kênh chính thức. Áp lực cho công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài đối với nhóm đối tượng này là không nhỏ. Theo Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, vì lo ngại cảnh sát bắt giữ nên nhiều người dù bị bị ngược đãi vẫn không dám phản ứng, cầu cứu để được bảo vệ.
“Đi chui” gia tăng
Dựa trên các kết quả điều tra, ILO thông tin “bản đồ” XKLĐ của Việt Nam hiện không chỉ giới hạn trong phạm vi 40 quốc gia và vùng lãnh thổ mà đã tăng lên con số 60. Thị trường XKLĐ Việt Nam mở rộng bởi làn sóng di cư theo hình thức cá nhân hoặc qua các kênh không chính thức. Trong đó, nhiều lao động di cư không chính thức sang các nước châu Phi (chủ yếu là Angola, 1.337 người) và một số quốc gia châu Âu. Đến nay, có khoảng 18.000 lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang các nước thuộc Liên minh châu Âu thông qua các đường dây trái phép.
Tại khu vực ASEAN, lao động Việt Nam sang Thái Lan trái phép có chiều hướng tăng với 6.108 lao động đang làm việc bất hợp pháp ở nhiều lĩnh vực như bồi bàn, bán hàng, may mặc. Hành trình di cư của NLĐ rất khó kiểm soát, thường đi bộ qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) sang Lào, sau đó đến cửa khẩu Mukdahan để vào Thái Lan. Theo ông Max Tunon, điều phối viên dự án tam giác ILO GMS, ở Thái Lan hay những nước mà Việt Nam chưa có quan hệ hợp tác lao động, việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, không chỉ tốn một khoản tiền môi giới quá cao, NLĐ ra nước ngoài bất hợp pháp thường bị “đem con bỏ chợ”, không được bố trí việc làm, thu nhập như cam kết. Ở Ả Rập Saudi, nơi có khoảng 5.000 lao động giúp việc gia đình Việt Nam, tình trạng lao động bị ngược đãi thường xuyên xảy ra. Tại Nga, do không có giấy tờ hợp pháp, NLĐ bị đưa vào các “xưởng may đen”, bị bóc lột thậm tệ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang bị sức ép lớn trước tình trạng di cư bất hợp pháp nhưng gần như không kiểm soát được kênh không chính thức này. Trước tình hình trên, ILO khuyến cáo Việt Nam cần tăng cường đối thoại, đàm phán để ký ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác lao động với các nước để hợp pháp hóa cho NLĐ, đồng thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, có cơ chế phối hợp để có thể bảo vệ quyền lợi cho họ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét