Đừng nên như xuất khẩu tài nguyên thô
Thị trường lao động Việt Nam đặt ra chỉ tiêu năm 2015 sẽ đưa 110.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Hiện các cơ quan ban, ngành đang quản lý chặt để không xảy ra tình trạng xấu như lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, lao động chui, lao động xuất khẩu không theo đúng quy định của Luật xuất khẩu lao động... qua đó tác động không tốt đến quyền lợi của những lao động chấp hành đúng quy định của luật cũng như làm ảnh hưởng đến đại diện phía chúng ta.
Một thực tế đáng buồn là các lao động Việt Nam ở nước ngoài thường có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề rất thấp
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề và kỹ năng cho các lao động chuẩn bị đi xuất khẩu được coi là khâu then chốt để xuất khẩu lao động có thể thâm nhập vào các thị trường mới, đòi hỏi trình độ tay nghề cao.
Không chỉ dừng lại ở các thị trường truyền thống, cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở. Những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi. Dù số lượng lao động trong lĩnh vực này chưa nhiều nhưng đã tạo đà để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nghề có trình độ cao, thu nhập khá tại các nước phát triển.
Lao động Việt Nam tại Nhật Bản |
Ông Hải cho hay: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có những thỏa thuận ký kết với các đối tác nhận lao động Việt Nam về việc hỗ trợ đào tạo theo chuẩn nghề của đơn vị tiếp nhận lao động. Tránh tình trạng khi lao động sang đến nơi lại phải trả về vì không đáp ứng được tiêu chuẩn của đơn vị sử dụng lao động.
Không thể phủ nhận rằng trong những năm qua việc các lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết công ăn, việc làm cho nhiều lao động trẻ, nhất là ở những khu vực nông thôn. Nhờ lao động xuất khẩu mà nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên tích lũy. Nhưng một thực tế đáng buồn là các lao động Việt Nam ở nước ngoài thường có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề rất thấp. Ở nước ngoài, họ thường phải làm những công việc lao động tay chân, giản đơn, nặng nhọc và thu nhập cũng không cao.
Dân số Việt Nam hiện đang ở khung dân số vàng, được ví như một nguồn tài nguyên đầy tiềm năng. Nhưng nếu chúng ta không có một chính sách đào tạo nâng cao trình độ, chất lượng lao động thì nguồn tài nguyên đó sẽ trở thành tài nguyên thô kém giá trị.
Cần thay đổi tư duy về xuất khẩu lao động
Việc nâng cao chất lượng lao động không chỉ thực hiện ở giai đoạn dạy nghề, mà phải được thực hiện ngay từ bậc học phổ thông. Năng suất lao động của nước ta hiện nay thấp hơn từ 2 đến 15 lần so với một số nước trong khu vực ASEAN. Không những thế, tốc độ tăng năng suất hiện còn rất chậm, chỉ khoảng 4%-5%/năm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam quá nặng về lý thuyết, ít gắn với thực tế, thiếu các giáo cụ trực quan hiện đại để thực hành. Vì vậy, học sinh sau khi tốt nghiệp không thể áp dụng những kiến thức trên ghế nhà trường vào công việc. Đây là điểm bất lợi đối với lao động nước ta. Công nghệ và kỹ thuật thế giới thay đổi nhanh chóng, trong khi tính thích nghi của lao động nước ta lại không cao; các trung tâm đào tạo không được nâng cấp...
Phương pháp giáo dục ngay từ bậc tiểu học đã không khuyến khích học sinh sáng tạo và tìm tòi cái mới, trong khi kiến thức sách giáo khoa lại nhanh lạc hậu so với tri thức nhân loại. Vì vậy, cần phải tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục đào tạo, khuyến khích học sinh sáng tạo, tìm hiểu và học hỏi cái mới, gắn với thực tế.
Hiện nay, Chính phủ cũng đã có rất nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ lao động đi xuất khẩu. Các ngân hàng cũng triển khai nhiều gói tín dụng cho vay đi xuất khẩu lao động. Điển hình là gói tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhưng các gói chính sách này hầu như chỉ tập trung cho những đối tượng đã được những đơn vị tuyển dụng chấp thuận cho đi xuất khẩu. Bên cạnh đó, hầu như chưa có đơn vị và ngân hàng nào triển khai đầu tư đào tạo kỹ năng, nghề nghiệp cho các lao động chuẩn bị đi xuất khẩu.
PGS-TS. Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: Bộ LĐTBXH đang nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược này đặc biệt chú trọng tới việc đột phá chất lượng dạy nghề, đồng thời cũng nhấn mạnh đến việc tập trung vào một số nghề đạt trình độ cao (quốc gia, khu vực, quốc tế) để tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới. Đó là một trong những khâu then chốt để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam trên thị trường lao động thế giới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét